Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

Thắt búi trĩ bằng dây thun


Bệnh trĩ có khá nhiều phương pháp điều trị khác nhau. Thắt búi trĩ là một trong những phương pháp để điều trị bệnh  trĩ.


 1- TỔNG QUAN VỀ ĐIỀU TRỊ

Nguyên lý thắt búi trĩ bằng dây thun đã có từ thời cổ đại. Vào năm 460 trước Công nguyên, Hippocrates đã mô tả phương pháp thắt một sợi chỉ xung quanh búi trĩ  để làm nó teo lại.
Vào thế kỷ thứ 19, phẫu thuật thắt búi trĩ bằng dây thun được sử dùng thường xuyên hơn. Tuy nhiên, vào thời đó, kỹ thuật này bao gồm cột cả búi trĩ lẫn phần mô nhạy cảm chung quanh nên gây đau đớn rất nhiều, và nhanh chóng bị loại bỏ.
Vào năm 1958, Blaisdell gợi ý chỉ nên thắt mô trĩ thôi và phẫu thuật trở nên ít đau hơn nhiều. Kỹ thuật thắt búi trĩ hiện đại được tiên phong bởi Barron vào năm 1963 khi ông sử dụng một dụng cụ đặc biệt để thắt búi trĩ với độ chính xác cao. Để vinh danh ông, kỹ thuật này được gọi là phương pháp thắt búi trĩ Barron và dụng cụ thắt dược gọi là dụng cụ Barron.
Thắt búi trĩ bằng dây thun là phẫu thuật thắt đáy búi trĩ bằng một sợi dây, chặn hoàn toàn dòng máu đến nuôi búi trĩ. Để thực hiện cách điều trị bệnh trĩ này, bác sĩ sẽ đưa một ống nội soi (anoscope hoặc proctoscope) được làm ấm và bôi trơn vào hậu môn của bệnh nhân. Búi trĩ sẽ được giữ chặt bằng kẹp, một dụng cụ sẽ siết dây thun vào đáy của búi trĩ. Trĩ sẽ teo lại, hoại tử, và rụng ra trong một tuần.
Sẹo hình thành ở vị trí búi trĩ, sẽ giữ cho các tĩnh mạch lân cận không phình vào ống hậu môn. Bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân xem có cảm thấy vòng cao su quá chặt? Nếu bị đau nhiều, bác sĩ sẽ phải tiêm thuốc gây tê tại vị trí đã thắt búi trĩ. Tuy nhiên, nếu đau nhói nhiều sau khi thắt búi trĩ, có thể đã thắt nhầm vào vùng mô dưới đường lược (dentate line) hoặc thắt quá nhiều phần mô và da nhạy cảm. Cần phải cắt bỏ dây thun và thắt trĩ lại.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể cảm thấy đau và đầy ở vùng bụng dưới, hoặc có cảm giác mót đi tiêu.
Thường thì chỉ thắt mỗi lần từ 1 đến 2 búi trĩ. Nếu bệnh nhân được vô cảm toàn thân, có thể xử lý cùng một lúc nhiều búi trĩ hơn. Các búi còn lại sẽ được thắt sau thời gian từ 4 đến 6 tuần.

2- CHỈ ĐỊNH THẮT búi TRĨ

- Thắt búi trĩ bằng dây thun là cách được dùng rộng rãi để điều trị trĩ nội. Nếu các triệu chứng vẫn tồn tại sau 3 đến 4 lần thắt búi trĩ, cần đặt vấn đề điều trị phẫu thuật.
- Không được dùng phương pháp thắt búi trĩ nếu không đủ mô để kéo vào lòng dụng cụ thắt búi trĩ.
- Phẫu thuật thắt búi trĩ không được áp dụng để điều trị trĩ độ 4.

 3- TÌNH HÌNH SAU KHI THẮT BÚI TRĨ

Bệnh nhân đáp ứng không giống nhau sau khi thắt búi trĩ. Một số có thể trở về với công việc bình thường ngay (ngoại trừ việc mang vác nặng), số khác cần phải nghỉ tại giường  từ 2 đến 3 ngày.
+ Bệnh nhân thường cảm thấy đau trong thời gian từ 24 đến 48 giờ sau thắt búi trĩ. Có thể dùng thuốc hoặc ngồi trong chậu nước ấm pha thuốc tím ngày 2-3 lần, mỗi lần 15 phút để giảm đau.
+ Để giảm nguy cơ chảy máu, nên tránh dùng các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs), các thuốc aspirin, coumadin, warfarin v.v…trong thời gian từ 4 đến 5 ngày trước và sau khi thắt búi trĩ.
+ Có thể xuất huyết trong khoảng từ 7 đến 10 ngày sau khi thắt, lúc trĩ rụng. Xuất huyết thường nhẹ và tự cầm.
Bệnh nhân nên ăn nhiều chất xơ để làm mềm phân và uống thêm nước để dễ đi tiêu. Rặn nhiều khi đi tiêu có thể khiến trĩ tái phát.

4 – KẾT QUẢ

Khoảng 80% bệnh nhân cho biết có cải thiện triệu chứng sau khi thắt búi trĩ.
+ Thắt búi trĩ bằng dây thun cải thiện triệu chứng nhanh chóng và kéo dài hơn so với phương pháp chích xơ (injection sclerotherapy) hoặc quang đông bằng tia hồng ngoại (infrared photocoagulation therapy).
+ Hiếm khi phải điều trị lại do triệu chứng tái phát.
+ Cách điều trị này hiệu quả nhất đối với các búi trĩ nội có kích thước từ nhỏ đến trung bình.
+ Cách điều trị này ít thành công khi thực hiện trên các búi trĩ lớn.

5- NGUY CƠ

Tác dụng phụ rất hiếm gặp, có thể bao gồm:
+ Đau nhiều không đáp ứng với các biện pháp giảm đau thường dùng sau khi thắt búi trĩ. Có thể do thắt búi trĩ quá sát với vùng chứa nhiều thụ thể cảm nhận đau trong ống hậu môn
+ Chảy máu hậu môn.
+ Bí tiểu.
+ Nhiễm trùng ở vùng hậu môn, vùng chậu, tuy hiếm gặp nhưng có thể diễn biến nhanh và nặng dẫn đến nhiễm trùng huyết. Cần khẩn trương điều trị bằng kháng sinh.
+ Tuột dây thun do kẹp được quá ít mô trĩ, cần phải thắt lại
+ Cục máu đông xảy ra ở 5% bệnh nhân, cần phẫu thuật cắt bỏ
+ Nứt hậu môn: xảy ra ở 1% trường hợp do nứt búi trĩ. Điều trị bằng kháng sinh, giảm đau hoặc phẫu thuật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét